BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ 



Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và đẩy mạnh phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa". Hải Phòng là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác này. Vậy mà, các thế lực thù địch, phản động lại hập hực, chúng tìm mọi thủ đoạn để xuyên tạc các chính sách về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Cách đây 76 năm, ngày 27-7-1947, “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên đã được tổ chức ở nước ta. Mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Tại cuộc mít tinh, các đại biểu đã nghe đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc. Trong thư Bác viết: “… Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”, “… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”. Ngày Thương binh toàn quốc sau đó đã được sửa đổi thành “Ngày Thương binh Liệt sĩ”.

Không có mô tả ảnh.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản quy phạm pháp luật cùng nhiều chính sách ưu đãi khác; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo cho các đối tượng người có công với cách mạng. Thành phố có chủ trương “Tận tay, đúng kỳ, đủ số” với người có công. Ngoài tiền hỗ trợ của trung ương về xây, sửa nhà ở, thành phố có nghị quyết hỗ trợ gia đình người co công vật liệu xây dựng gạch, xi măng, các đoàn thể, hội, doanh nghiệp, địa phương vào cuộc, huy động xã hội hóa tiếp thêm nguồn lực tặng các gia đình chính sách xây, sửa nhà. Công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn thành phố trở thành phong trào rộng khắp, đã thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Không chỉ Hải Phòng mà trong cả nước, từ hơn bảy thập kỷ qua, Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7 luôn là ngày thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những chiến sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày 27-7 cũng là ngày phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Thế nhưng, thay vì đồng lòng, ủng hộ các hoạt động thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những năm gần đây, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ vẫn có tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc về chính sách Thương binh - Liệt sĩ và người có công. Thâm độc hơn, chúng còn đánh đồng người hy sinh, cống hiện vì cách mạng với người ngã xuống trong chiến tranh mà không tham gia, cống hiến gì, thậm chí là kẻ cam tâm làm tay sai cho thực dân đế quốc, phản bội Tổ quốc; đồng thời, gây ra những hành động cụ thể để hạ thấp, phủ nhận sự hy sinh, cống hiến của người có công; cho rằng đất nước được giải phóng là do công sức của toàn dân tộc chứ không riêng gì thương binh, liệt sĩ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lợi dụng những khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, một số địa phương tăng trưởng kinh tế chậm lại, người lao động thiếu việc làm, các thế lực thù địch đã viết bài, đưa thông tin, hình ảnh… trên mạng xã hội trắng trợn xuyên tạc, cố ý lập lờ, đánh tráo giá trị, “đổi trắng, thay đen” nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi về chính sách an sinh xã hội, ưu đãi đối với người có công, Chúng “phân tích” rằng kinh kế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó có chi nhiều cho thương binh, liệt sĩ, người có công. Mục đích kích động chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bất chấp đạo lý, các thế lực thù địch, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phản động luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để xuyên tạc, chống phá. Họ hạ thấp sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh trong quá trình giải phóng dân tộc, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công nhằm kích động, chống phá chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng với Nhân dân.

Những thủ đoạn trên tuy không phải chiêu trò mới mà các thế lực thù địch thực hiện trong chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công là thủ đoạn thể hiện sự tột cùng của bản chất bất nhân, vô ơn, bạc nghĩa để phục vụ mục tiêu chống phá, tạo ra nhận thức lệch lạc, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận quần chúng Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là tội ác mới cần phải được vạch trần và lên án. Người dân hãy cảnh giác trước những thủ đoạn nham hiểm này./.

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 321072